Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Các loại hình doanh nghiệp

Các loại hình doanh nghiệp


Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp theo Pháp Luật về Doanh nghiệp, đang là những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Theo quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2005 thì doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Theo quy định của Pháp Luật hiện hành về tổ chức và thành lập doanh nghiệp ở ViệtNamhiện có nhiều văn bản khác nhau trong đó có thể kể đến: Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng… Ngoài các văn bản nêu trên thì Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động còn phải tuân theo các quy định của các văn bản hướng dẫn, và các văn bản pháp luật chuyên ngành đối với từng ngành nghề kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.
Theo đó: Doanh nghiệp được tổ chức theo nhiều loại hình khác nhau. Mỗi loại hình doanh nghiệp có đặc trưng riêng của nó và từ đó tạo nên những hạn chế hay lợi thế của doanh nghiệp. Về cơ bản, những sự khác biệt tạo ra bởi loại hình doanh nghiệp là: uy tín doanh nghiệp do thói quen tiêu dùng; khả năng huy động vốn; rủi ro đầu tư; tính phức tạp của thủ tục và các chi phí thành lập doanh nghiệp; tổ chức quản lý doanh nghiệp. Do đó, khi cá nhân, tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp thì việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp là rất quan trọng, nó có ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nhân cần nghiên cứu kỹ lưỡng từng ưu nhược điểm của các loại hình để chọn cho mình một mô hình phù hợp nhất.
Chúng ta có thể phân ra các loại hình doanh nghiệp như sau: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty hợp danh; Công ty TNHH có hai thành viên trở lên; Công ty TNHH một thành viên; Công ty cổ phần; Công ty nhà nước; Hợp tác xã; Doanh nghiệp liên doanh; Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Dưới đây là những đặc điểm cơ bản cũng như một số ưu, nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp.
1. Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân là một cá nhân. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp, thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Những ưu điểm, nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân.
Ưu điểm:
- Ưu điểm chính của loại hình này, là dễ thành lập, không chung đụng, không có góp vốn chung, không phải có giao kèo lôi thôi tới ai, lời thì ăn, lỗ thì chịu. Chủ nhân đóng thuế thu nhập cá nhân ngay trên thu nhập của doanh nghiệp.
- Chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp mà không cần phải bàn bạc, chờ đợi, dẫn đến chớp cơ hội tốt.
- Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hang.
- Doanh nghiệp tư nhân ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.
Nhược điểm:
- Nhược điểm chính của doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm về bất cứ rủi ro hay thua lỗ khi điều hành doanh nghiệp và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp chứ không giới hạn số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào doanh nghiệp.
- Nhược điểm thứ hai là khả năng huy động vốn hạn chế trong vòng quen biết; nếu muốn vay mượn ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp cao.
- Sau cùng là sự thiếu liên tục nếu chẳng may chủ doanh nghiệp qua đời hay không còn tiếp tục điều hành doanh nghiệp được nữa thì doanh nghiệp cũng chấm dứt hoạt động.
2. Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó: Phải có ít nhất hai thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty; ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp đăng ký kinh doanh và không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để huy động vốn.
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty; tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty; cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty.
- Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ được quy định tại Điều lệ công ty; không được tham gia quản lý công ty và hoạt động kinh doanh nhân danh công ty. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.
Ưu và nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này.
Ưu điểm:
- Ưu điểm chính của loại hình này là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người.
- Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh.
- Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.
- Tại Mỹ, loại hình này còn có một lợi điểm nữa khiến cho nhiều doanh nhân lựa chọn loại này; đó là doanh nghiệp không bị đánh thuế thu nhập của Liên Bang. Lợi nhuận của mỗi thành viên trở thành thu nhập của mỗi người, và chỉ bị đóng thuế thu nhập trên căn bản cá nhân mà thôi.
Nhược điểm:
- Nhược điểm của công ty hợp danh là do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao. Nói một cách khác, tài sản riêng của mỗi thành viên có thể bị chủ nợ (của doanh nghiệp) đòi khi doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ.
- Loại hình công ty hợp danh mới chỉ được quy định trong Luật doanh nghiệp năm 1999 nên trên thực tế loại hình doanh nghiệp này chưa phổ biến ở Việt Nam.
3. Công ty TNHH 2 thành viên 
Công ty TNHH có hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó: Thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên tối thiểu là hai và tối đa không vượt quá năm mươi. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp. Công ty TNHH có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty TNHH không được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Về cơ cấu tổ chức: Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên phải có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc. Công ty TNHH có trên mười một thành viên phải có Ban kiểm soát.
Ưu và nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này:
Ưu điểm:
- Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất ở Việt nam hiện nay.
- Các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn.
- Số lượng thành viên công ty không nhiều (Giới hạn 50 thành viên) và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau, nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp;
- Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
Nhược điểm:
- Do chế độ trách nhiệm hữu hạn nên uy tín của công ty trước đối tác, bạn hàng cũng phần nào bị ảnh hưởng;
- Công ty TNHH chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn là doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh;
- Việc huy động vốn của Công ty TNHH bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu.
4. Công ty TNHH 1 thành viên
Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Chủ sở hữu công ty có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác. Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty TNHH một thành viên không được quyền phát hành cổ phiếu và không được giảm vốn điều lệ.
Chủ sở hữu công ty không được trực tiếp rút một phần hoặc toàn bộ số vốn đã góp vào công ty, bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận của công ty khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.
Tùy thuộc quy mô và ngành, nghề kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ của Công ty TNHH một thành viên bao gồm: Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc.
Nhìn chung, Công ty TNHH một thành viên có đầy đủ các đặc thù của Công ty TNHH có ít nhất hai thành viên trở lên. Điểm khác biệt là ở loại hình này chỉ có một thành viên duy nhất và thành viên này có thể là tổ chức hoặc cá nhân.
Lợi thế của Công ty TNHH một thành viên là chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty.
5. Công ty cổ phần
Công ty cổ phầndoanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần của cổ đông sáng lập; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Về cơ cấu tổ chức Công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc); đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông phải có Ban kiểm soát.
Ưu và nhược điểm của loại hình công ty cổ phần.
Ưu điểm:
- Ưu điểm chính của loại hình công ty là các cổ đông chỉ bị trách nhiệm hữu hạn về các trái khoản (nợ) của công ty theo tỷ lệ của số tiền đầu tư (mua cổ phần) mà thôi. Tài sản cá nhân của cổ đông không dính dáng đến doanh nghiệp. Sau khi thành lập thì công ty tự nó là một tư cách pháp nhân và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tài chính cũng như luật pháp. Nếu công ty có bị phá sản thì chủ nợ không thể đòi nợ từ các cổ đông. Vì lẽ đó mức độ rủi do của các cổ đông không cao
- Ưu điểm thứ hai là khả năng huy động vốn. Công ty có thể huy động thêm vốn bằng cách bán thêm cổ phần của công ty cho các nhà đầu tư, phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần.
- Khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lịch vực, ngành nghề.
- Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty;
- Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
Nhược điểm:
- Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích;
- Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.
6. Công ty nhà nước
Công ty nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập, tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà Nước. Công ty nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước.
Người có thẩm quyền ra quyết định thành lập mới công ty nhà nước là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng đối với việc quyết định thành lập mới công ty nhà nước đặc biệt quan trọng, chi phối những ngành, lĩnh vực then chốt, làm nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Công ty nhà nước có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty mới được tiếp nhận vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn để đầu tư, xây dựng doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh.
Công ty nhà nước được tổ chức quản lý theo mô hình có hoặc không có Hội đồng quản trị.
7. Hợp tác xã
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật hợp tác xã để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
Các ưu nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này:
Ưu điểm:
- Có thể thu hút được đông đảo người lao động tham gia;
- việc quản lý hợp tác xã thực hiện trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng nên mọi xã viên đều bình đẳng trong việc tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của hợp tác xã không phân biệt nhiều vốn hay ít vốn;
- Các xã viên tham gia hợp tác xã chỉ chịu trách nhiệm trước các hoạt động của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.
Nhược điểm:
- Không khuyến khích được người nhiều vốn, nhiều kinh nghiệm quản lý, kinh doanh tham gia hợp tác xã do nguyên tắc chia lợi nhuận kết hợp lợi ích của xã viên với sự phát triển của hợp tác xã;
- Việc quản lý hợp tác xã phức tạp do số lượng xã viên đông; Sở hữu manh mún của các xã viên đối tài sản của mình làm hạn chế các quyết định của Hợp tác xã.
8. Công ty liên doanh
Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc là doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hoặc do doanh nghiệp liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo hình thức Công ty TNHH, công ty cổ phần. Mỗi bên liên doanh chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật ViệtNam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.
Vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh ít nhất phải bằng 30% vốn đầu tư. Đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, dự án đầu tư vào địa bàn khuyến khích đầu tư, dự án trồng rừng, dự án quy có quy mô lớn, tỷ lệ này có thể thấp hơn, nhưng không dưới 20% vốn đầu tư và phải được cơ quan cấp giấy phép đầu tư chấp thuận. Tỷ lệ góp vốn của bên hoặc các bên liên doanh nước ngoài do các bên liên doanh thoả thuận, nhưng không được thấp hơn 30% vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh. Căn cứ vào lĩnh vực kinh doanh, công nghệ, thị trường, hiệu quả kinh doanh và các lợi ích kinh tế – xã hội khác của dự án, Cơ quan cấp giấy phép đầu tư có thể xem xét cho phép bên liên doanh nước ngoài có tỷ lệ góp vốn thấp hơn, nhưng không dưới 20% vốn pháp định.
Đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp liên doanh là có sự phối hợp cùng góp vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư Việt nam. Tỷ lệ góp vốn của mỗi bên sẽ quyết định tới mức độ tham gia quản lý doanh nghiệp, tỷ lệ lợi nhuận được hưởng cũng như rủi ro mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu.
Ưu và nhược điểm.
Ưu điểm:
- Đối với các nhà đầu tư việt nam, khi tham gia doanh nghiệp liên doanh, ngoài việc được phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, nhà đầu tư việt nam còn có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, phong cách và trình độ quản lý kinh tế tiên tiến.
- Đối với bên nước ngoài, lợi thế được hưởng là được đảm bảo khả năng thành công cao hơn do môi trường kinh doanh, pháp lý hoàn toàn xa lạ nêu không có bên việt nam thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhược điểm:
- Có sự ràng buộc chặt chẽ trong một pháp nhân chung giữa các bên hoàn toàn khác nhau không chỉ về ngôn ngữ mà còn về truyền thống, phong tục, tập quán, phong cách kinh doanh, do vậy có thể phát sinh những mâu thuẫn không dễ gì giải quyết.
- Trình tự thủ tục thành lập phức tạp.
9. Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài
Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước đầu tư nước ngoài do Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại ViệtNamtự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo hình thức Công ty TNHH, có tư cách pháp nhân theo pháp luật ViệtNam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư.
Vốn pháp định của Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ít nhất phải bằng 30% vốn đầu tư. Đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, dự án đầu tư vào địa bán khuyến khích đầu tư, dự án trồng rừng, dự án có quy mô lớn, tỷ lệ này có thể thấp hơn nhưng không dưới 20% vốn đầu tư và phải được cơ quan cấp giấy phép đầu tư chấp nhận.
Ngoài các loại hình doanh nghiệp kể trên, còn một số loại hình doanh nghiệp đặc thù khác được thành lập và tổ chức theo luật chuyên ngành như văn phòng luật sư, công ty luật, ngân hàng, tổ chức tín dụng…
Tóm lại: Như trên đã trình bày, mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu điểm và nhược điểm. Doanh nhân cần căn cứ trên khả năng, nhu cầu cùng sự tiên liệu về mức độ phát triển trong tương lai của doanh nghiệp để chọn cho mình một mô hình thích hợp. Mặc dù luật về doanh nghiệp của mỗi nước có những khác biệt, nhưng nói chung, trong thời buổi toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, các loại hình này đều có nhiều điểm tương đồng để các đối tác ngoại quốc dễ giao dịch, nhất là để biết trách nhiệm pháp lý của mỗi bên như thế nào khi có tranh tụng.
Nếu bạn đang tìm thủ tục thành lập công ty thì đây chính là thông tin rất hữu ích cho bạn!!
———————————————————————————————————————————
Nếu bạn đang tìm dịch vụ thành lập công ty đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi theo qua hotline 0934.414.838 - 0947.041.376 để được tư vấn tận nơi!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét